Address
P.5.09, Lầu 5, Tòa Nhà ST.Moritz,1014 Phạm Văn Đồng, P. HBC, Thủ Đức, TP.HCM
(ĐTCK) Trong một báo cáo công bố hôm thứ Năm (1/6), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán công suất năng lượng tái tạo trên toàn thế giới sẽ vượt quá 4.500 gigawatt (GW) vào năm 2024, gần bằng với nhiên liệu hóa thạch.
Công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu đã tăng thêm khoảng 330 GW vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng kỷ lục hơn 440 GW vào năm 2023, nhờ vào những lo ngại xung quanh vấn đề an ninh năng lượng do ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine trong nỗ lực đáp ứng các mục tiêu khử cacbon.
Năng lượng tái tạo đang trên đà chiếm 50% tổng công suất phát điện trên toàn thế giới vào năm 2024, vượt xa nhiên liệu hóa thạch trong quá khứ. Nhưng tỷ lệ sản xuất thực tế của năng lượng tái tạo sẽ thấp hơn vì chúng không thể chạy liên tục suốt ngày đêm như nhiên liệu hóa thạch hoặc năng lượng hạt nhân.
Ngoài ra, năng lượng mặt trời được dự đoán sẽ chiếm phần lớn công suất bổ sung trong năm nay, với mức tăng trưởng cao hơn nữa vào năm 2024. Ngoài các trang trại năng lượng mặt trời cực lớn, việc lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà cũng đang phát triển.
Bên cạnh đó, IEA cũng dự báo sự phục hồi của năng lượng gió sau khi sụt giảm trong đại dịch.
Trung Quốc và Liên minh châu Âu là những động lực chính của sự gia tăng năng lượng tái tạo, Mỹ và Ấn Độ cũng đóng vai trò lớn hơn. IEA nhận thấy Trung Quốc sẽ củng cố vị thế là “nhà lãnh đạo không thể tranh cãi trong việc triển khai năng lượng tái tạo toàn cầu” vào năm 2023 và 2024.
Nhật Bản tiếp tục tụt lại phía sau trong vấn đề này. IEA dự báo công suất năng lượng tái tạo của Trung Quốc sẽ tăng 231 GW vào năm 2023, nhưng Nhật Bản chỉ có mức tăng 10 GW.
Lo lắng về an ninh năng lượng đã thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo, ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine đã giúp nhiều quốc gia nhận ra rủi ro từ việc phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Trong khi đó, do đầu ra của các nguồn năng lượng như năng lượng mặt trời và gió phụ thuộc vào điều kiện thời tiết nên chúng cần được sử dụng với pin hoặc song song với các giải pháp thay thế phù hợp hơn như nguồn điện thông thường để đảm bảo nguồn cung cấp ổn định.
Báo cáo của IEA cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các mạng lưới truyền tải và phân phối có thể vận chuyển điện năng đến các khu vực có nhu cầu cao với tổn thất tối thiểu.
IEA ước tính rằng để đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng không vào năm 2050, năng lượng tái tạo sẽ cần chiếm hơn 60% công suất phát điện trên toàn thế giới vào năm 2030 và gần 90% vào năm 2050. Nhưng mặc dù việc sản xuất tấm pin mặt trời đang đi đúng hướng để đáp ứng mục tiêu năm 2030, việc sản xuất thiết bị gió mở rộng chậm hơn và có thể không theo kịp tiến độ này.